Loading...

 Đó là một con số “giật mình” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn thành phố Hà Giang (TPHG) hiện nay đáng để chính quyền, ngành chức năng và người tiêu dùng lưu tâm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày, trên địa bàn TPHG có khoảng trên 100 con lợn được giết thịt để tiêu thụ. Thị trường của loại thực phẩm này vô cùng rộng lớn tại các chợ lớn, nhỏ, những sạp hàng tự phát, những chuyến hàng rong... và người tiêu dùng thì thường có thói quen “tiện đâu mua đấy”. Nhưng điều đáng nói ở đây là chỉ có 15 - 20 con lợn trong số được giết thịt ấy có dấu kiểm dịch của ngành Thú y về giết mổ. Nghĩa là có đến hơn 80% số lượng thịt lợn mà người tiêu dùng ăn hàng ngày không rõ nguồn gốc, tình trạng lợn trước khi được giết mổ.

Nhiều chuyến hàng thịt lợn bán rong khiến công tác kiểm soát giết mổ và VSATTP càng trở nên khó khăn.
Chị Đinh Thị Nhường, Trạm trưởng Trạm Thú y TPHG cho biết: “Mỗi ngày, chỉ có khoảng 10 - 15 con lợn được đưa vào giết mổ tại lò giết mổ gia súc tập trung phường Minh Khai và 5 con lợn tại lò giết mổ gia súc phường Ngọc Hà được kiểm dịch và đóng dấu của ngành Thú y. Còn phần lớn các hộ giết mổ gia súc tại nhà, nên rất khó kiểm soát. Vào những đợt kiểm dịch cao điểm, ngành chức năng có kiểm tra khu vực bán hàng thịt lợn tại các chợ nhưng đó chỉ giải quyết được phần ngọn, trong khi theo quy định kiểm dịch phải được kiểm tra, theo dõi cả quá trình trước, trong và sau giết mổ. Chưa kể việc kiểm định bằng mắt thường với thịt lợn đã được giết mổ tại chợ thì độ chính xác không cao. Bên cạnh đó, một số lượng lợn thịt lợn được các đối tượng bán rong trên địa bàn cũng rất khó kiểm soát”.
Bên cạnh việc khó kiểm soát về công tác giết mổ gia súc, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh cho biết thêm, tính từ đầu năm đến nay, có hơn 2.650 con lợn, trên 81.000 con gia cầm và trên 276.250 sản phẩm động vật được nhập từ các tỉnh miền xuôi về địa bàn TPHG để tiêu thụ. Tại các sạp bán thịt lợn ở chợ trung tâm thành phố, quy định về việc đảm bảo VSATTP cũng chưa được người bán hàng tuân thủ nghiêm. Như vậy, không chỉ thịt lợn, mà các loại thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm khác cũng cần được quan tâm, kiểm soát.
Đi tìm lời giải cho câu hỏi vì sao số lượng lớn gia súc không được đưa vào các lò giết mổ tập trung, chúng tôi nhận được những câu trả lời khá bất ngờ: Anh Nguyễn Văn H., một người bán thịt lợn tại phường Minh Khai cho biết: “Lò giết mổ gia súc bé, xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh, chúng tôi làm thịt tại nhà còn đảm bảo vệ sinh hơn, còn dấu kiểm dịch thú y thì có ai hỏi đến đâu...”. Chị Nguyễn Thị Hiền, phường Nguyễn Trãi chia sẻ: “Ngày nào gần như gia đình tôi cũng mua thịt lợn, đi làm về tiện đâu thì mua đấy, chứ không quan tâm lắm đến việc thịt lợn có dấu kiểm dịch hay không?”.
Qua tìm hiểu được biết, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau xử phạt, tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra.
 Khi chính người tiêu dùng còn thờ ơ với sức khỏe của mình, ngành chức năng chưa làm kiên quyết, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt thì những người buôn bán vẫn mặc sức làm những gì họ muốn là lẽ đương nhiên.
Vấn đề VSATTP đang là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng khi mà hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngộ độc thực phẩm... thường xuyên xuất hiện...Để TPHG không còn “thực phẩm bẩn” và sức khỏe người tiêu dùng được bảo vệ, chính quyền và ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường kiểm soát công tác giết mổ và mỗi người tiêu dùng hãy nghiêm khắc, tẩy chay những thực phẩm không rõ nguồn gốc để thực phẩm bẩn không có cơ hội tồn tại.
BIỆN LUÂN
Nguon Baohagiang.vn

0 comments Blogger 0 Facebook

loading...
 
HA GIANG 24H © 2017. All Rights Reserved. Liên Hệ Quảng Cáo. Powered by HGOnline
Top