Những bể chứa thế này chỉ được ngăn cách với con suối Lũng Vầy bằng một bờ đất
Từ nhiều năm nay người dân tại 5 thôn bản dọc theo con suối Lũng Vầy của xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm, đường giao thông bị cày nát. Nguyên nhân chính xuất phát từ quá trình khai thác và chế biến khoáng sản của một số đơn vị đang hoạt động trên địa bàn.
Mỏ chì kẽm Tà Pan của công ty cổ phần khoáng sản Minh Sơn tại thôn Lũng Vầy hoạt động gần 4 năm nay, từ cách đó vài trăm mét đã có thể cảm nhận thấy mùi hóa chất nồng nặc từ các bể chứa, tuyển rửa quặng. Nước thải sau tuyển rửa quặng có lẫn nhiều hóa chất được cho chảy ra các bể chứa phía bên ngoài có màu trắng đục và nặng mùi hóa chất.
Những bể chứa thế này chỉ được ngăn cách với con suối Lũng Vầy bằng một bờ đất, liệu ai dám chắc những chất thải này sẽ không ngấm vào nguồn nước suối. Cách đó không xa là nhà máy chế biến quặng sắt của công ty cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông, theo người dân tại đây từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, nước từ các bể chứa quặng trên đỉnh núi liên tục chảy xuống suối khiến người dân không thể sử dụng nước suối. Tiếp cận gần hơn với nhà máy có thể thấy những dòng nước đục ngầu được xả thẳng theo đường cống xuống suối.
Mọi nỗ lực ghi hình của phóng viên tại khu vực nhà máy đều bị nhân viên bảo vệ nhà máy ngăn cản. Theo lãnh đạo xã Minh Sơn, người dân thường xuyên kiến nghị về việc nước suối không thể sử dụng do xuất hiện ngứa, viêm da khi sử dụng nguồn nước này, lượng cá tôm tại suối cũng bị suy giảm đáng kể. Xã khẳng định việc nước bị ô nhiễm là có nhưng với thẩm quyền của xã cũng chỉ dừng lại ở kiến nghị lên cấp trên chứ không thể làm gì hơn.
Để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động trên 30 héc ta rừng phòng hộ của xã Minh Sơn đã bị chặt hạ. Việc làm này đã và đang làm thay đổi hệ sinh thái rừng tại đây và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ quét vào mùa mưa.
Quá trình khai mỏ đã khiến một lượng lớn đất đá tràn xuống suối Lũng Vầy gây tắc và suy giảm nguồn nước. Bên cạnh đó quá trình xử lý quặng thải sau khi chế biến của các đơn vị tại đây chỉ đơn giản là chon trên đồi, mỗi khi mưa xuống quặng theo nước tràn xuống suối, xuống ruộng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang thừa nhận tác động từ khai thác khoáng sản tới môi trường là không thể tránh khỏi và những sai phạm trong quy trình xử lý chất thải của các đơn vị là có.
Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Giang thứ XVI vẫn đưa khai thác khoáng sản là 1 trong 3 mũi nhọn bên cạnh thủy điện và du lịch để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên việc đẩy mạnh khai thác khoáng sản cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường và cuộc sống của người dân sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững.
0 comments Blogger 0 Facebook