Loading...

Ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch tỉnh Hà Giang, vừa chính thức xác nhận, trong vụ lũ quét, sạt lở xảy ra hôm 18 Tháng Bảy ở Quảng Tây, Trung Quốc, có 40 nạn nhân là dân của tỉnh này.

Ngày 30 Tháng Chín, 2016, Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Quốc Tế Thanh Thủy, Hà Giang, tiếp nhận 14 phụ nữ vượt biên trái phép, lao động làm thuê bất hợp pháp do công an thành phố Vân Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trao trả. (Hình: Báo Hà Giang)
Theo báo Tuổi Trẻ, trước đó, ngày 18 Tháng Bảy, Sở Công An của Khu Tự Trị Dân Tộc Choang, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, gửi công hàm đến Tổng Lãnh Sứ Quán Việt Nam tại Nam Ninh, thông báo trong vụ lũ quét, sạt lở đất ở thành phố Ngô Châu, huyện Mông Sơn, họ đã tìm thấy 40 nạn nhân là người Việt. Bảy trong số 40 nạn nhân này đã thiệt mạng, 33 người còn lại bị thương.

Tối 26 Tháng Bảy, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Quý cho biết những nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở Mông Sơn đều là người dân xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, được cho là sang Trung Quốc làm thuê.
Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc là “đất hứa” của nhiều người Việt vì đó là chỗ họ có thể tìm được việc làm, nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Đáng chú ý là chính quyền Việt Nam không bận tâm trong việc đặt định các giải pháp để bảo vệ những công dân của mình phải bỏ xứ tha phương cầu thực.

Đây là lý do chính khiến “buôn người” từ Việt Nam sang Trung Quốc trở thành một tệ nạn nghiêm trọng. Không chỉ phụ nữ được hứa hẹn giúp tìm việc làm tại Trung Quốc rồi bị lừa bán vào các ổ mại dâm hoặc bán cho đàn ông Trung Quốc mang về làm vợ mà thanh niên, đàn ông Việt Nam cũng bị biến thành hàng hóa.
Theo báo Phụ Nữ TP.HCM, tại một cuộc họp báo được tổ chức hồi Tháng Bảy, 2016, nhằm vận động “toàn dân phòng-chống buôn người,” ông Lê Văn Chương, cục phó Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công An, cho biết tình trạng buôn người xảy ra trên phạm vi toàn quốc, tội phạm buôn người hiện diện ở 63/63 tỉnh, thành phố.

Ông cho hay, ngoài chuyện mua bán phụ nữ, trẻ em như đã biết, công an Việt Nam còn phát giác cả việc mua bán thanh niên, đàn ông, bào thai, nội tạng… Theo ông, thanh niên, đàn ông bị lừa sang Trung Quốc để bán cho các chủ mỏ, chủ lò gạch… làm những công việc hết sức nặng nhọc.
Thỉnh thoảng, báo chí Việt Nam lại tìm thấy một số nạn nhân đào thoát về Việt Nam từ Trung Quốc, họ tố cáo đã bị cưỡng bức làm việc như tù khổ sai, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, làm việc không có ngày nghỉ và không có lương. Sinh quán và trú quán của các nạn nhân hết sức đa dạng, không chỉ ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc – những tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, mà còn ở miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Theo tường thuật của báo điện tử Zing thì trong vụ tai nạn mới xảy ra với 40 người Việt ở Quảng Tây, Trung Quốc, ông Quý nói rằng chính quyền tỉnh Hà Giang đang “xác minh có bao nhiêu người sống tại huyện Mèo Vạc sang Trung Quốc làm thuê.”
Công việc “xác minh” kéo dài đã 10 ngày nhưng vẫn chưa xong. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ tịch xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc – nơi được cho là sinh quán của đa số nạn nhân, thừa nhận việc “xác minh” rất khó khăn vì xã có tới 7,000 người, chính quyền xã lại chỉ có danh sách chứ không có hình nạn nhân.

Nếu theo lời của hai vị này thì xã Khâu Vai, rộng hơn nữa là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, không chỉ có 40 người sang Trung Quốc làm thuê rồi gặp nạn, bởi vì con số này vốn rất lớn nên không dễ xác định thân nhân của các nạn nhân là ai. 

(G.Đ)

0 comments Blogger 0 Facebook

loading...
 
HA GIANG 24H © 2017. All Rights Reserved. Liên Hệ Quảng Cáo. Powered by HGOnline
Top