Chỉ qua phương pháp lọc thủ công như thế này, nguồn nước sông khó đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sử dụng. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Bà Nguyễn Thị Hòa kể: Hàng tháng, bà phải mua 10 bình nước uống đóng chai để 6 thành viên trong gia đình có nước sử dụng. Như vậy, để có một bình nước uống đóng chai với thể tích 20 lít, bà Hòa phải chi 20 nghìn đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc, một tháng, gia đình bà tốn thêm 200 nghìn đồng để mua nước uống đóng chai. Trong khi đó, nếu gia đình bà được sử dụng nguồn nước máy để đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày, bà chỉ phải trả chưa đầy 7.000 đồng/m3 nước (theo giá thu hiện hành của Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước Hà Giang), tương đương với 1.000 lít nước...
Đặc biệt, để đảm bảo đủ nước nấu ăn, uống và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nhiều gia đình ở tổ 9 phải sử dụng thêm nguồn nước sông Miện. Song, điều đáng bàn ở đây, khi bơm nước từ sông về để sử dụng, họ hoàn toàn không có hệ thống máy lọc hiện đại để xử lý nước mà phương thức lọc rất thô sơ, mang tính thủ công cao. Đó là việc sử dụng chân tất bọc vào điểm cuối của đầu ống dẫn nước để lọc lần 1. Sau đó, nước sông tiếp tục được lọc qua một lớp vải mỏng và chảy xuống vật chứa nước. “Hiện đại” hơn, nhiều hộ rải thêm cát ở trên lớp vải để nước sông được lọc “tinh khiết” hơn. Nhưng theo đánh giá của nhiều hộ sử dụng thì phương pháp này cũng chỉ loại bỏ một phần rác thải, lá cây,... chứ không loại bỏ được tạp chất để trở thành nước sạch. Không những vậy, theo trần tình của nhiều hộ dân: Có những ngày nước sông ngầu đục, chứa đầy rác thải sinh hoạt, thậm chí cả xác gia súc, gia cầm đang trong giai đoạn phân hủy,... nhưng vì thiếu nước sạch, họ vẫn phải sử dụng để nấu ăn, tắm, giặt.
Lý giải cho nỗi niềm “khát” nước sạch của 33 hộ dân ở tổ 9, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát để tìm nguồn nước đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, nguồn nước tự nhiên ở đây rất khan hiếm. Chúng tôi cũng đã vận động nhân dân đào giếng, khoan giếng để có nước sinh hoạt. Song, khu vực này giáp Nghĩa trang Km 7 nên nguồn nước không đảm bảo vệ sinh... Chia sẻ thêm về điều này, chị Đinh Thị Thu Hạnh cho biết: Trước năm 2000, nguồn nước giếng của gia đình tôi vẫn sử dụng bình thường. Nhưng sau đó, khi Nghĩa trang Km 7 được mở rộng thì nguồn nước bắt đầu ô nhiễm – xuất hiện váng màu vàng và có mùi lạ. Chúng tôi nghi nguồn nước bị ảnh hưởng từ nghĩa trang nên không ai dám sử dụng...
Rời tổ 9 trong ngày hè bỏng lửa, mang theo nguyện ước của người dân về nguồn nước sạch khiến chúng tôi không khỏi xót xa: “Nước sạch được ví như máu của sự sống. Mong các cấp, ngành chung tay khơi dòng máu sống cho hàng trăm nhân khẩu thuộc tổ 9” ...
THU PHƯƠNG
Nguồn : baohagiang
0 comments Blogger 0 Facebook